todo

ĐẮK NÔNG

So với các tỉnh khác ở Tây Nguyên, Đắk Nông là tỉnh trồng cà phê khá muộn. Nông dân bắt đầu trồng cà phê tự phát từ những năm 1995 đến nay.

Nguồn lợi của cây cà phê

Mặc dù bắt đầu muộn hơn các địa phương khác, Đắk Nông đã nhanh chóng vươn lên trở thành tỉnh Tây Nguyên có diện tích trồng cà phê lớn thứ 3 trong khu vực. Hiện nay, 118.800 Ha tại Đắk Nông đang được sử dụng để canh tác cây cà phê với sản lượng trung bình khoảng 220 – 240 ngàn tấn sản phẩm mỗi năm. Việc xuất khẩu cà phê đem lại từ 300 - 400 triệu USD mỗi năm. Không chỉ đem lại nguồn lợi về kinh tế, ngành sản xuất cà phê còn đem lại lợi ích cho thị trường lao động tại Đắk Nông khi cung cấp việc làm cho hơn 100.000 người làm việc trong ngành này.

Khó khăn của người nông dân

Diện tích trồng cây cà phê tại Đắk Nông chủ yếu thuộc về các nông hộ với 85%, doanh nghiệp chỉ canh tác trên 15% diện tích đất. Trong đó, mỗi nông hộ có khoảng 0.4 đến vài hecta cà phê. Chỉ có khoảng 5% tổng số nông hộ trồng cà phê toàn tỉnh có trên 5 hecta canh tác. Các địa phương trồng cà phê chủ yếu tại Đắk Nông bao gồm huyện Đắk Song, Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk R’lấp, Krông Nô nhờ đặc tính đất đỏ bazan màu mỡ. Cây cà phê được trồng tại các huyện này chủ yếu là cà phê vối (Robusta). Ngoài ra, cây cà phê chè Catimor cũng được trồng bởi một số nông hộ và doanh nghiệp. Năng suất của các vườn cà phê vẫn còn thấp, ít nhất 10-20% số cây trồng cho năng suất chỉ bằng 1/5 – 1/3 năng suất bình quân, chất lượng không đồng đều dẫn tới sức cạnh tranh trên thị trường không cao. Tuy nhiên, tình trạng trồng cà phê tự phát vẫn còn, người dân tự phát quang, phá rừng để có đất canh tác, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, đất đai xói mòn, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái cũng như diễn biến thời tiết của toàn vùng. Những năm gần đây, tình trạng thiếu nước canh tác cà phê ngày càng gia tăng khiến sản lượng sụt giảm, nhiều nông hộ gặp tình trạng mất trắng. Một khó khăn của người dân nơi đây là việc cải tạo đất. Hiện nay, khoảng 30% diện tích canh tác cà phê trên toàn tỉnh đã sử dụng trên 15 năm, làm giảm chất dinh dưỡng trong đất, đồng thời có chứa các mầm bệnh tiềm ẩn – đặc biệt là bệnh hại rễ.

Nỗ lực của chính quyền

Chính quyền địa phương đang ngày càng quan tâm tới phát triển cây công nghiệp này với nhiều chính sách hỗ trợ giống tốt, tổ chức tập huấn,… Định hướng phát triển của tỉnh Đắk Nông là cà phê thân thiện với môi trường, nghĩa là tăng năng suất cà phê song song với việc bảo vệ môi trường và các khía cạnh khác của đời sống như kinh tế, văn hóa, du lịch, vân vân. Để thực hiện điều này, chính quyền địa phương đã thực hiện quy hoạch đất trồng, tránh tình trạng phá rừng để trổng cà phê. Đồng thời, tỉnh bộ cũng đưa ra các chỉ thị để chuyển đổi những vùng đất không phù hợp với cây cà phê, trồng các loại cây thích hợp hơn. Không những thế, tỉnh Đắk Nông cũng đã phối hợp với các tổ chức khác để xây dựng và phát triển mô hình sản xuất cà phê bền vững. Nổi bật là dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” với ngân sách 250 tỷ từ Ngân hàng Thế giới cho giai đoạn 2015 – 2020. Nguồn vốn này chủ yếu để đầu tư vào sản xuất chuyên canh cà phê có chứng chỉ 4C, UTZ... và tái canh bằng cách cưa đốn các cây cà phê chất lượng kém, ghép chồi mới. Các nông hộ hiện nay cũng đang làm theo định hướng của tỉnh bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, hạn chế phân vô cơ và chất bảo vệ thực vật. Các hình thức sản xuất tiến bộ hơn cũng được áp dụng để quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường. Một số kỹ thuật phổ biến hiện nay bao gồm thâm canh, thực hiện bón phân cân đối, trồng cây che bóng và đai rừng chắn gió.